Chưa một lời chia tay
Số cuối cùng Diễn Đàn Praha đến với bạn đọc là số 42, ra ngày 1. 11. 1993. Số báo này đã khép lại thời kỳ làm báo sôi nổi, mạnh mẽ của du học sinh Việt nam tại Tiệp Khắc, hầu như không có phong trào nào tương tự ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ khác. Tiên phong trong phong trào làm báo là nhóm sinh viên tại thành phố Plzeň với tờ Điểm Tin Báo Chí bắt đầu phát hành đầu năm 1990. Phong trào nhanh chóng lan truyền tới các thành phố có đông sinh viên Việt nam như Praha, Ostrava với sự xuất hiện của các tờ Điễn Đàn Praha và Thời Mới do sinh viên Ostrava và Zlín chủ trương. Tờ Thời Mới nhập cùng nhóm Praha từ số Diễn Đàn 18 (tháng 4. 1991). Để đầy đủ có thể nhắc tới ba tờ báo nữa đã được phát hành tại Tiệp Khắc. Tờ CLB Tuổi Trẻ, do một nhóm lưu học sinh tại Praha 6 (ba ký túc xá Kajetanka, Větrník và Hvězda) ra đời tháng 3. 1990 và sau khi ra 3 số với số lượng nhỏ đã đình bản. Tờ Tự Do của sinh viên Brno ra khoảng cuối năm 1990, không nhớ ra được mấy số, nhưng kết thúc khá sớm. Tờ Việt Trẻ số đầu ra mắt tháng 4. 1992 do một nhóm biên tập tách ra khỏi Diễn Đàn, không nhớ rõ sau đó ra được bao nhiêu số.
Nhiều người đặt vấn đề nguyên nhân nào dẫn đến hiên tượng đặc biệt này tại Tiệp Khắc. Môi trường Tiệp Khắc chắc chắn đóng vai trò quan trọng. Mặc dù cũng dưới chế độ CS, nhưng môi trường hàn lâm TK lúc đó tự do hơn ở Việt nam nhiều và có thể nói là tại các trường đại học, các viện nghiên cứu cộng sản bị khinh ra mặt. Sự ra đời của Hiến Chương 77 và câu chuyện của Havel và các “đồng chí” của ông, phong trào làm báo chui “samizdat” và vai trò của giới sinh viên trong việc tổ chức biểu tình 17. 11. 1989, ngòi nổ của cái sau này được gọi là Cách mạng nhung và trong cuộc tổng bãi công chiếm đóng các cơ sở giáo dục là nguồn cảm hứng trực tiếp cho các sinh viên Việt nam khi được chứng kiến những ngày hào hùng của những người bạn cùng thế hệ. Nhưng có thể lý do quan trọng nhất để có phong trào báo chí tự do tại Tiệp là có thế hệ sinh viên trẻ nhiệt huyết, mạnh mẽ chưa kịp bị cuộc sống Việt nam dạy cho biết sợ đã nhanh chóng ra tay vào cuộc và vượt qua những đe dọa có thể phải về nước trước thời hạn, mất học bổng và tiếp tục duy trì làm báo và có những người thế hệ lớn hơn trong đó có tôi vượt nỗi sợ cùng hưởng ứng.
Diễn Đàn được bạn đọc đón nhận khá nồng nhiệt, nhưng cuối cùng đã kết thúc không tuyên bố với số 42 trong sự mệt mỏi có thể nói của cả bạn đọc, của cộng tác viên và đặc biệt là của những người làm báo. Cuộc sống trên đất nước Tiệp Khắc thời hậu cộng sản có thể nói là với tất cả bắt đầu lại từ đầu, với đa số người Việt đó thực sự là sự bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Tất cả đều lao vào cuộc mưu sinh mới, cuộc đời cơm áo cũng chẳng trừ ai, nhất là với nhóm làm báo như Diễn Đàn, đóng góp của độc giả và người hâm mộ chỉ để có kinh phí in ấn phát hành, tất cả đều làm không công và thậm chí bù thêm tiền chi phí. Quan tâm, đóng góp của bạn đọc ít dần đi, đội hình cũng có rơi rụng, có những người ra đi vì không cùng quan điểm, có người kết thúc vì những lý do cá nhân khác nhau. Từ chỗ cố gắng ra báo hàng tháng, Điễn Đàn bắt đầu ra không thường kỳ, lúc vì lý do tài chính, lúc thì chưa đủ bài để lên khung. Khoảng đầu năm 1993, được sư thôi thúc của Trần Anh Chương, một người bạn và cộng tác viên sống tại Bắc Mỹ là cần giới thiệu với độc giả bên Mỹ để có nhiều bạn đọc hơn, tôi đã soạn vài lời gửi cho Chương. Việc đăng ở các diễn đàn đâu đó hoàn toàn do Chương làm giúp, internet hồi đó đang thời kỳ nguyên thủy, phương tiện anh em Diễn Đàn dùng duy nhất là e-mail. Sau sự kiện đó thì có một số bạn đọc mới có gửi tiền ủng hộ báo như tinh thần bạn đọc trước đây đã gửi tiền ủng hộ, nghĩa là những khoản nhỏ không vượt quá mấy chục USD. Nhưng cái đó cũng không vực được tình hình vì nhân tố quyết định là động lực của những người làm báo đã suy giảm mạnh. Diễn Đàn số 40 ra ngày ngày 14. 5. 1993, số 41 ra ngày 7.7.1993 và số 42 ra ngày 1. 11. 1993. Sau đó nhóm Diễn Đàn vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, nhưng số 43 không bao giờ ra mắt được mặc dù trong thâm tâm đa số đều nghĩ là nên có một lời chia tay. Những năm tháng sau đó tôi sống với một băn khoăn, đặc biệt với những độc giả Bắc Mỹ gửi tiền ủng hộ đợt cuối. Vậy bây giờ, sau 30 năm nhân dịp Diễn Đàn đăng lại các bản scan báo, xin được gửi tới các độc giả Điễn Đàn một lời thanh minh, một lời xin lỗi muộn mằn. Số quỹ gầy của Diễn Đàn còn lại sau này được dùng vào việc đóng góp 1 phần chi phí để in tác phẩm “Muông Cầm Trại” (Animal farm) của G. Orwell, bản dịch của Cù Lần – Trần Hồng Hà. Nếu có bạn đọc Diễn Đàn năm xưa đọc những dòng này xin cho địa chỉ, chúng tôi xin gửi tặng cuốn “Muông Cầm Trại” như một lời tri ân muộn.
Năm nay toàn bộ các số Diễn Đàn được scan và đăng lại trên trang web và trang Facebook của Văn Lang. Sau khi đăng được mấy số thì một anh bạn cũng đã một thời gắn bó với Diễn Đàn gọi điện và rủ tôi làm báo tiếp. Tôi từ chối ngay, với tôi việc này chỉ là lưu lại Diễn Đàn lên mạng cho ai quan tâm và cùng nhau nhắc lại một chút kỷ niệm từ thời trai trẻ, sẽ không có một comeback nào cả. Ngày nay báo đã khác, người đọc cũng khác, thời thế cũng rất khác và đặc biệt là chúng tôi đều già cỗi theo năm tháng. Việc có cần thiết ra một tờ báo hay không, làm như thế nào, cất lên tiếng nói gì v.v. phải là sứ mệnh và trách nhiệm của các thế hệ trẻ hôm nay. Đối với tôi việc tham gia với các bạn ngày đó và cùng nhiều bạn đồng hành đến tận ngày nay là một ưu đãi của số phận, phải ngửa mặt lên cám ơn các đấng bề trên và đặc biệt cám ơn các Bạn vẫn thỉnh thoảng cùng nhau làm một cái gì đó cho các giá trị mà chúng ta cùng tin mặc dù tất cả đều biết là chẳng có vinh quang hay cái gì to tát chờ đợi ở phía trước.
Praha 15. 11. 2020
N.T.H
Ghi chú:
N.T.H, thành viên ban biên tập Diễn Đàn.
- Thời Diễn Đàn: tốt nghiệp đại học và PhD tại UK Praha, Cộng hòa Czech. Làm việc tại Viện nghiên cứu Máy Toán, Praha.
- Hiện nay: sống và làm việc ở Praha, Cộng hòa Czech.
Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn
Trần Ngọc Tuấn, từng tham gia Diễn Đàn
Đỗ Ngọc, từng là tổng biên tập báo Cánh Én, Đức
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện),...
Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí...
Nguyễn Hoàng Linh, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn.
Việt Phương, thành viên của ban biên tập Diễn Đàn
N.N, thành viên ban biên tập Diễn Đàn.
Xuân Thọ cộng tác viên của Diễn Đàn.
|