30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
18.10.2020


Những người mở đường


Với tất cả sự chân tình, tôi muốn nói như thế về các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh VN tại Tiệp Khắc đã lập ra những tờ báo tự do đầu tiên của người Việt tại Đông Âu trong đầu thập kỷ 90. Đó là: “Điểm Tin Báo Chí“ ở Plzen, kế tiếp đến “ Diễn Đàn“ ở Praha , “Thời Báo“ tại Ostrava và sau này thêm tờ : “Tiếng Nói“ ở Bungaria. Thời đó người Việt ở Đông Âu chủ yếu sang bằng xuất khẩu lao động, học nghề, đại học hay nghiên cứu sinh.

Trong các đội lao động VN ở Đông Âu thời gian học tiếng chỉ có 3 tháng, nên hầu như 100% không ai đọc được báo Tiệp hay hiểu được thời sự trên TV. Khi Cách mạng Nhung nổ ra ở Tiệp Khắc năm 1989, nhiều người Việt tin rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính mà thôi. Tờ báo tiếng Việt duy nhất đến với tay người lao động VN là ấn bản “Quê Hương“ cuả Đại sứ quán VN tại mỗi nước. Phát hành 1 tháng hay 3 tháng một bản, cả đoàn chuyền tay nhau đọc cái thứ báo lấy truyên truyền là chính. Thỉnh thoảng có báo Nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân gửi sang theo máy bay. Có thể nói là người lao động VN tại Đông Âu thời đó mù tịt về thông tin, thư từ gửi về VN phải hàng tháng mới tới tay người nhận. Khi có các tờ báo tự do ra đời, những thông tin đa chiều mới được nhiều người Việt lần đầu tiên biết đến. Đặc biệt là sau này, các bài viết cuả những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng đổi mới, phản kháng như: Hà Sĩ Phu, Trần Xuân Bách, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu, Dương Thu Hương, Bùi Tín... đã đuợc đăng tải trên các tờ báo này, mang đến cho người đọc một luồng tư tưởng mới. Những năm 90, thế giới rung chuyển bởi các sự kiện: toàn bộ hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu hoàn toàn sụp đổ, xung đột vũ trang giữa các nước thuộc Liên-Xô cũ như Armenia và Azerbaijan, chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1... thì các tờ báo trên chính là nguồn cung cấp tin tức nóng hổi nhất cho người Việt ở Tiệp Khắc.

Mỗi tờ báo mang một sắc thái khác nhau, với tôi thì báo “Diễn Đàn“ ở Praha có nhiều bài dịch và viết công phu, mang tính học thuật cao và có nhiều thông tin quý. Có lẽ tại vì ở Praha là nơi hội tụ nhiều “anh tài“ hơn chăng? Cũng nhờ báo Diễn Đàn, lần đầu tiên nhiều người Việt được đọc: Tuyên ngôn Độc lập cuả nước Mỹ, Hiến chương quốc tế về nhân quyền, diễn văn cuả tổng thống Václav Havel trước quốc hội Mỹ và các tư liệu khác bằng tiếng Việt .

Sau 30 năm, kể từ khi số báo Diễn Đàn đầu tiên ra đời, trôi theo dòng thời gian là những sự thay đổi bởi quy luật cuả cuộc sống. Có thành viên trong ban biên tập đã không còn nữa, những người khác thì già đi, có người đã lên chức ông bà, đang sống ở VN hay các nước khác. Các bạn đọc cuả báo Diễn Đàn cũng thế, nhiều người “giác ngộ “ quá nên sau 1989 quyết không trở về VN, đi tìm cuộc sống xứ người dẫu có mang tiếng là tha hương, bỏ Tổ quốc. Sau này nếu con cháu có hỏi rằng: các bạn đã làm gì trong những năm tháng biến động đó. Các bạn có quyền nói rằng: “Đã cất lên tiếng nói cuả Tự Do, cuả Lương Tri “.

Thời gian có thể làm con người lãng quên nhiều thứ, với tôi thì các bạn là những người mở đường cho phong trào báo chí tự do tại Đông Âu sau này - một cách rất dũng cảm và khiêm tốn - tính cách không thể thiếu được ở những người trí thức chân chính.

Tháng 10.2020
Cu Li


Ghi chú:
Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí và người ủng hộ nhiệt tình cho tờ Diễn Đàn
- Thời Diễn Đàn: Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí.
- Hiện nay: sống và làm việc ở Nürnberg, Đức.

Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn
Trần Ngọc Tuấn, từng tham gia Diễn Đàn
Đỗ Ngọc, từng là tổng biên tập báo Cánh Én, Đức
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện),...