30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
13.11.2020


Partizánske, ba mươi năm sau...


Tàu dừng khoảng hai phút. Hình như không có gì thay đổi so với trước đây. Một ga nhỏ, xập xệ thiếu cả bảng tên. Chỉ là tình cờ trên đường đến thăm lâu đài Bojnice, tàu chạy từ Bratislava dừng lại ở đây lúc nửa đường. Chẳng có người xuống, cũng chẳng ai lên. Partizánske, một ga nhỏ cách Blava một tiếng rưỡi tàu, không có gì đặc biệt, ngoài vẻ hoang tàng, buồn bã. Hành khách, ai cũng đeo khẩu trang trong mùa covid, chỉ mong nhanh chóng đến chỗ cần đến. Thật ảm đạm...

Nhưng ba mươi năm trước tôi và Trần Hồng Hà đã xuống ga này.

Ban biên tập Diễn Đàn nhận được một bức thư của các bạn công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy đóng giầy ở đây kêu cứu về việc bị các phần tử phân biệt chủng tộc địa phương (mà người việt ngày đó gọi là Phủi) bao vây, tấn công vào cư xá của họ. Nhiều người bị thương, đổ máu... nhưng thay vì có một cuộc điều tra thỏa đáng, nhà máy của họ thỏa thuận với Ban Quản Lý Lao Động của Sứ quán Việt Nam đưa toàn bộ các nam công nhân về nước mà không có bồi hoàn. Vì vậy mà tôi và Hà đã đến đây.

Hồi đó các bạn trong ban biên tập Diễn Đàn được tờ Respekt phát cho thẻ phóng viên. Cái thẻ sơ sài như mọi thứ sau Cách Mạng Nhung, nhưng nhờ chúng mà tôi và Hà đã đến tất cả các nơi cần đến: Ủy ban nhân sân, sở cảnh sát, nhà máy...

Vụ Partizánske, cùng với cuộc biểu tình ở sân bay Praha được mô tả tỉ mỉ trong Diễn Đàn số 8.

Thật bất ngờ lần đó tôi gặp Nam, một bạn du học cùng năm. Nam làm phiên dịch cho chính cái đội công nhân người Việt đang là nạn nhân. Cũng nhờ vậy mọi chuyện khi ấy khá thuận lợi. Nam không phải là bạn thân, nhưng tôi đã vài bận gặp Nam hồi còn là sinh viên mỗi lần có dịp đến Blava thăm bạn bè. Không có nhiều thời giờ để hàn huyên nhưng kỷ niệm về Nam không thể quên. Anh điềm tĩnh, được mọi người quí mến và tôn trọng. Tôi còn gặp lại Nam lần cuối lúc chúng tôi biểu tình tại sân bay Praha. Bây giờ sau 30 năm không biết anh đã ở phương trời nào.

Khi chúng tôi trở về Praha và nhóm họp các bạn làm báo lúc đó. Ngoài Diễn Đàn còn có các bạn Thời Mới từ Ostrava xuống, hay Điểm Tin Báo Chí dưới Plzeň lên. Cả bọn gặp nhau ở ký túc xá Jednota của anh Nhàn. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định tổ chức một cuộc biểu tình ở sân bay Praha. Người để lại ấn tượng nhất với tôi lúc đó là ông Ivo Vasiljev, một giáo sư dạy Việt Nam Học ở UK và khá quen thuộc với chúng tôi, cũng như cộng đồng sinh viên nói chung lúc đó. Ông đưa ra ý tưởng khẩu hiệu chính của cuộc biểu tình sẽ là "deportace" (trục xuất). Tôi suy nghĩ rất nhiều vì deportace trong ngữ cảnh châu Âu thường gắn liền với chuyện Đức Quốc Xã đưa người Do Thái tới các trại tập trung. Một thông điệp quá nhạy cảm và có khi quá khắc khe với một nền dân chủ vừa trở lại Châu Âu sau 40 năm toàn trị, mà chúng tôi có nhiều thiện cảm. Nhưng quả thật đó là một cuộc deportace. Và chúng tôi đã đồng ý. Khẩu hiệu gây chấn động và hầu như tất cả báo chí ngày hôm sau đều đã dùng từ này khi mô tả lại cuộc biểu tình. Tôi còn gặp lại Vasiljev nhiều lần nữa, lần cuối cùng có cả người bạn ông, nhà thơ Nguyễn Duy từ Việt Nam sang, dưới tầng hầm một quán bia ở Praha, nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là lần gặp ở ký túc xá Jednota.

Trần Hồng Hà chết năm 1995. Vasiljev cũng vừa mất cách đây vài năm. Nam lưu lạc nơi nào, không biết có đọc được những dòng này không?

Buổi chiều bắt tàu chạy ngược từ Bojnice về lại Blava, tôi có dịp nhìn lại lần cuối Partizánske. Tôi đã không bước xuống sân ga, đã nhìn thành phố khuất dần đằng sau như một phần tuổi trẻ của mình. Của Tôi. Của Hà. Của Vasiljev và cả Nam nữa.

Tháng 11/2020

N.N.


Ghi chú:
N.N, thành viên ban biên tập Diễn Đàn.
- Thời Diễn Đàn: tốt nghiệp đại học ČVUT, Praha, Cộng hòa Czech. Làm việc tại Viện Vật Lý, Viện Hàn Lâm, Praha.
- Hiện nay: sống và làm việc ở Praha, Cộng hòa Czech.

Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn
Trần Ngọc Tuấn, từng tham gia Diễn Đàn
Đỗ Ngọc, từng là tổng biên tập báo Cánh Én, Đức
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện),...
Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí...
Nguyễn Hoàng Linh, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn.
Việt Phương, thành viên của ban biên tập Diễn Đàn