Hai buổi tọa đàm về Việt Nam (lịch sử, kinh tế, thời sự) sẽ được tổ chức bên lề cuộc gặp mặt hàng năm của các nhà trí thức Việt trong và ngoài nước. Năm nay, Hội Thảo Hè lần thứ 17, sẽ được tổ chức tại Praha. Hai buổi tọa đàm là sáng kiến của Nhóm Văn Lang, nhóm hỗ trợ Hội Thảo Hè, nhằm đem đến cho cộng đồng Việt tại CH Séc cái nhìn của các chuyên gia trong ngành, những trí thức có uy tín về những vấn đề của Việt Nam hôm nay cũng như trong quá khứ.
Buổi tọa đàm về lịch sử cố gắng mang đến cho chúng ta những giai đoạn lịch sử mà vì những lí do khác nhau ít được nhắc đến trong nhà trường. Những "khoảng trống" này của lịch sử có thể đơn giản chỉ là do thiếu những công trình khai quật (nền văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo) hay phức tạp hơn như phép làm quên lịch sử của giới lãnh đạo (lịch sử Việt thế kỷ 20, nhất là lịch sử Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam). Hy vọng buổi tọa đàm này sẽ phần nào lấp bớt các khoảng trống đó.
Một trong những nhà phân tích kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay, ông Lê Đăng Doanh, sẽ nói về tình hình kinh tế Việt Nam, những thách thức mà nền kinh tế sẽ phải đương đầu cũng như tiềm năng của nó.
Bên cạnh đó Phán Quyết của tòa án PCA mới đây về biển Đông mà tất cả người Việt đều quan tâm sẽ được bàn đến trong phần cuối của buổi tọa đàm thứ hai.
Các buổi tọa đàm này sẽ dành phần lớn thời gian để trả lời trực tiếp các câu hỏi của các bạn. Ngoài ra các bạn có thể gửi trước cho chúng tôi những vấn đề các bạn quan tâm, chúng tôi sẽ chuyển đến các diễn giả để họ tập trung vào các đề tài này trong phần trình bày của họ.
Về các Diễn giả
- Nguyễn Thị Hậu, Tiến sĩ Khảo cổ học, sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê quán An Giang. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TPHCM, bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học tại Viện Khoa học Xã hội TPHCM (1997). Là giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố HCM. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN. Tổng Thư ký Hội Sử học Thành phố HCM
- Nguyễn Ngọc Giao, sinh năm 1940, tại Bắc Ninh, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Du học từ năm 1958, rồi giảng dạy tại Khoa Toán, Trường đại học Denis Diderot Paris VII. Ông từng phiên dịch cho phái đoàn Việt nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973), biên dịch Việt Pháp (Văn Tiến Dũng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Thiều...), Pháp/Anh-Việt (Lịch sử Thế kỷ XX của Eric J. Hobsbawm). Ông nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam, lịch sử phong trào Việt kiều ở các nước Tây phương. Là người tham gia thành lập Hội Liên hiệp Sinh viên VN tại Pháp (1965), Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (1969), Hội người Việt Nam tại Pháp (1976), cộng tác với các tạp chí Khoa học Kĩ thuật (1959), Tìm Hiểu (1961), tham gia sáng lập các báo Liên Hiệp (1965), Đoàn Kết (1968), Vietnam (tạp chí Pháp ngữ, 1980), Diễn Đàn (1991), Thời Đại (1997).
- Lê Đăng Doanh, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế, sinh năm 1942, tại Hà nội. Nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management), Hà Nội, Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2009, ông là thành viên sáng lập của Viện nghiên cứu Phát triển IDS. Vào đầu tháng 7.2015, Liên Hiệp Quốc đã bổ nhiệm Tiến sĩ Lê Đăng Doanh làm thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 1.1.2016 đến 31.12.2018
- Vũ Quang Việt, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế gốc Việt, từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc. Ông là người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam. Cũng từ năm 1997, ông đã nghiên cứu và viết nhiều bài về Trung quốc và lịch sử tranh chấp ở biển Đông.
Trân trọng kính mời.
Nhóm Văn Lang.
|