Mùi hương bằng hữu
Nhóm có 4-5 bạn trẻ, cả nam lẫn nữ. Một cô thấp bé ăn mặc rất dáng mô đen của thời điểm đầu thập niên 1990 là quần bò đai cao và ống rộng, có giây chun ở cổ chân và lắm túi, có lẽ đến 7-8 cái trên bắp đùi xuống cả đến cổ chân. Ở nhà ga Cheb, tôi nhận ra ngay là đồng hương. Từ đây đến biên giới Đức có 5-7 cây số, sau 5-7 cây nữa là đến làng nhỏ của Đức, Schirnding. Trên tàu lửa đến Cheb, tôi có thấy hành khách đi buôn lốp xe con, vần độc có 1 cái trên toa và chắn lối qua lại. Nhưng ở nhà ga, các bạn này tay không, đeo ba lô bé trên vai gọn nhẹ và đang đợi gì đó.
Tôi bắt chuyện. Họ là công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam từ Pilsen đến cuối tuần và đang toan tính vượt biên đường rừng. Nếu bị công an biên phòng Đức bắt và trục xuất trở lại Tiệp thì họ sẽ trở về Pilsen để đi làm tiếp vào ngày thứ hai tới! Còn nếu thoát qua, nghĩa là lấy xe búyt đi Nuremberg được, thì họ sẽ ở lại và tìm cách xin tỵ nạn. Nước Đức vừa mới thống nhất năm 1990 và đối với lao động xuất khẩu Việt là cả 1 sự đổi đời. Công nhân Việt tại Tiệp Khắc trước là giai cấp quí tộc, lương cao hơn Đông Đức và gửi hàng máy khâu Lada với lại xe máy Babetta về nước, thì giờ mất giá. Đó là so với công nhân xuất khẩu lao động tại Đông Đức, bỗng dưng khi thống nhất, lương bổng từ 1 đồng Đức Kim ăn 0.20 xu Tây Đức Kim được quy 1 đổi 1, tức là tăng gấp 5 lần ! Nước Đức thống nhất đương nhiên lại thuộc khối EU, trong khi Tiệp sẽ phải đợi đến 2004 và vào khối Schengen là năm 2007.
Nhưng nếu tôi quan tâm đến tình cảnh của họ thì họ lại có 1 quan tâm khác. Khi biết tôi từ Mỹ sang, lại là từ Nam Cali, cô quần bò mô đen hỏi ngay, thế có thật là Tuấn Vũ đi tù về tội buôn ma túy ? Tôi đâm ra tiếc hùi hụi. Bạn ca sĩ này tôi có gặp 1 bận, nếu biết thế tôi đã xin chụp hình bá vai và dằn trong túi để lôi ra : «Tuấn Vũ là bạn anh!», và như thế cuộc đời tôi đã có thể đi về 1 hướng khác trên sân ga Cheb ngày ấy và bớt hẳn cô đơn («Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn/ Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành»).
Đó là lần đầu tôi sang Tiệp. Trong đầu thập niên 90, người Việt tại Đông Âu hoạt động rất mạnh mẽ và các hội đoàn, báo chí Việt được mùa nở rộ. Tôi có liên lạc với các bạn và gặp tại nơi nhóm Thiện Chí ở Đức, Diễn Đàn Praha ở Tiệp, có lẽ là lần thứ nhì khi sang Tiệp, vào năm 1992? Lúc đó, sau khi chế độ cộng sản giải thể thì ở Đức cũng như ở Tiệp, phong trào kỳ thị chủng tộc (tái) phát sinh với nạn «đầu trọc», quốc gia chủ nghĩa và cực hữu. Chuyến đi thứ nhì này, tôi nhớ căn nhà của các bạn, Nguyễn Quốc Vũ hay Lê Thanh Nhàn ở Praha mà tôi dày công mới tìm ra được và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vì tôi sang đó còn có việc riêng khác. Hai bạn của thời điểm đó mà đến giờ tôi còn giữ được liên lạc đều đặn là Đỗ Quyên (Đỗ Ngọc) ở Đức, nay hiện ở Canada và Trần Ngọc Tuấn ở Tiệp. Bạn Tuấn vì lang bạt nên tôi còn có gặp lại ở Paris vài bận, cũng như bạn Nguyễn Hoàng Linh ở Hungary, ngày nay vẫn chăm sóc tờ « Nhịp cầu Thế giới ». Mới đây khi dọn nhà và sắp xếp lại giấy tờ, tôi còn thấy lại sổ tay ghi chép địa chỉ đó nhưng vì cấp bách nên không xem lại được mà chỉ dúi nó vào mớ hồ sơ lưu trữ !
Sau lượt đó, năm 1994 tôi có dịp trở lại Praha khi di dự Đại hội Văn bút Quốc tế. Trong tuần lễ ở đó, các bạn Diễn Đàn có tổ chức giúp 1 buổi đọc thơ của chị Cao Mỵ Nhân và anh Cung Trầm Tưởng. Anh Cung Trầm Tưởng lúc đó mới vừa định cư tại Hoa Kỳ (1993), tại bang Minnesota chứ không phải là Nam Cali nên sang đến Praha tôi mới có dịp gặp anh. Nhờ những ngày Praha này mà 2 anh em được gần gũi. Tập thơ tù cải tạo « Lời viết 2 tay » của anh được công bố ở đây và sau đó xuất bản ở Bonn, Đức quốc, là phần 2 của chuyến đi đó. Tôi nhớ đêm đọc thơ đó, ngồi chung bàn với các anh em ở Tiệp và thấy thân mật gắn bó hơn là với nhà thơ Cao Mỵ Nhân hay cựu đại tá Trần Ngọc Nhuận chỉ huy trưởng trường tình báo Cây Mai của VNCH tuy họ ở gần, nghĩa là ở tại bang Cali. Sau chuyến đi này, khi trở về Mỹ, ông Nhuận vì méo mó nghề nghiệp tình báo cũ, có công khai lên báo phong cho tôi làm gián điệp 2 mang và nằm vùng của chính quyền Việt Nam. Thật ra, về chính kiến thì tôi có khác xa tác giả của hồi kyy « Đời binh nghiệp » này nhưng 2 mang là không đúng vì tôi đa mang thì đúng hơn. Mâu thuẫn này giữa 2 chiều hướng của nhóm Văn bút Việt Nam Hải ngoại khiến tối đó tôi cảm thấy ấm áp hơn khi ở cạnh các anh em Diễn Đàn và là 1 kỷ niệm đẹp. Nếu có cho tôi là thiên tả thì tôi cũng nhận ngay không ngần ngại và ngần ngại là ở phía hữu của ai đó, nhất là nếu người đó lại là đại tá Nhuận. Ở bên hữu của ông thì phải là 1 thành tích, mà bản thân tôi thì không thể nào đạt được.
Như vậy đã là 26 năm từ buổi tối đêm hôm đó. Còn lại trong ký ức của tôi vẫn là ánh sáng êm dịu rất khuất ở nơi đọc thơ và mùi hương bằng hữu của Diễn Đàn.
Tháng 10.2020
Đỗ Kh.
Ghi chú:
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện), Tân Thư 1989; Thơ Đỗ Kh., Tân Thư 1989; Có những bực mình tức không thể nói (thơ), Tân Thư 1990; Không khí thời chưa chiến (tập truyện), Hồng Linh 1993; Ký sự đi Tây (bút ký), Xuân Thu xuất bản tại Mỹ 1990, nhà xuất bản Văn hoá Thông tin tái bản tại Hà Nội cuối năm 1993, với lời tựa của Thanh Thảo.
- Thời Diễn Đàn: Làm thơ, viết văn biên tập cho Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ.
|