30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
24.8.2020


Diễn Đàn


Hôm ấy chúng tôi có cuộc hẹn với cô người Tiệp thuộc Amnesty International, tổ chức Ân xá quốc tế. Tôi không nhớ là chuyện đã bắt đầu ra sao, tôi mau quên, quên rất nhiều, tôi chỉ còn nhớ những gì thật có ấn tượng trong quá khứ.

Cô ấy, tạm gọi là cô A, đưa tôi và Vũ vào bộ nội vụ của Tiệp Khắc, gặp trực tiếp ông bộ trưởng bộ nội vụ.
Lúc đó tôi là sinh viên y khoa tại Praha, Vũ trước đó là sinh viên đã học tại Praha, tốt nghiệp và tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh ngành vật lý.

Tôi cũng chẳng nhớ chúng tôi đã nói cụ thể những gì lúc đó, nhưng chắc chắn là có kể về chuyện chúng tôi làm báo phê phán chính quyền Việt Nam và không lên tiếng để xin được chính quyền Tiệp bảo trợ cho chúng tôi được ở lại tị nạn chính trị tại Tiệp. Tôi còn nhớ nét mặt thất vọng của cô A lúc chúng tôi ra về, cái vẻ mặt ngỡ ngàng của ông bộ trưởng lúc bắt tay ra về. Dường như họ muốn nói: „Vậy chứ tụi bây đến đây để làm gì? Gặp cấp bộ trưởng chứ đâu phải vừa“. Họ thất vọng cũng có thể là về cách ăn mặc của chúng tôi, chỉ quần tây, áo sơ mi xoàng xĩnh, không kèm theo một cái áo vét (dù là không có cà-ra-vát) cho nó trịnh trọng một chút. Vũ, dường như là còn mặc quần jeans với bộ tóc lúc nào cũng dài quá khuôn mặt. Na, giờ thì có lẽ tôi sẽ đàng hoàng hơn một chút, nhưng nếu được đi gặp bà Merkel ở Berlin, được gặp vợ chồng Bill Gates, bà Pelosi (chủ tịch quốc hội Mỹ), vợ chồng tổng thống tương lai của Mỹ, vợ chồng Obama v.v… thì cái đàng hoàng hơn của tôi cũng chẳng ra gì. Chỉ nói chuyện mơ, nhưng biết đâu giấc mơ lại thành sự thật?

Diễn Đàn là tên của tờ báo do sinh viên Việt Nam ở Praha chung tay thực hiện. Trước đó nhóm sinh viên ở Plzen (Pilsen) đã làm tờ Điểm Tin Báo chí. Chúng tôi viết bài, dịch bài từ báo Tiệp Khắc, báo chí Mỹ như Newsweek, The New York Times…, nói chung báo gì mà chúng tôi có thể đọc hay mượn được ở thư viện thành phố hoặc đủ tiền mua. Chúng tôi cũng làm thơ, viết văn, trích đăng văn học phản kháng ở Việt Nam. Đủ thứ. Người Việt đến lao động, học nghề tại Đông Âu rất nhiều, nhưng họ không biết tiếng tăm gì, không có điều kiện tiếp xúc với thông tin. Thời đó cuộc cách mạng Nhung nổ ra, người Việt cứ phải đọc báo Việt Nam, báo giấy, thì làm sao biết được cái gì thực sự xảy ra. Thời đó làm gì có internet, computer thì còn ở thế hệ XT và AT. Báo của chúng tôi gửi đi khắp nơi, cả Đông Âu, không chỉ ở Tiệp. Hễ nơi nào có địa chỉ thì chúng tôi gửi. Số lượng độc giả ngày càng đông hơn, họ gửi tiền ủng hộ để chúng tôi có thể làm tiếp…

Ban đầu tôi có „vision“. Thôi thì gọi là „ước muốn“ cho nó thực tế. Tôi có ước muốn làm tờ báo, hay tạp chí thì đúng hơn. Tôi lúng túng với việc in ấn, không tiền, không quen biết, nói chung là zero. Không hiểu sao thì một anh sinh viên y khoa năm trên, đã tốt nghiệp, đã lấy vợ Tiệp, biết chuyện nên hướng dẫn tôi đến gặp nhà báo, người đứng cùng tổ chức của ông Václav Havel, tổng thống Tiệp sau cuộc cách mạng Nhung. Thế là hay quá, họ giúp chúng tôi in ấn miễn phí, dường như ban đầu chỉ là photocopy với số lượng lớn hơn bình thường.

Chuyện nhân sự, người cộng tác mới là quan trọng. Ban đầu tôi gặp bạn bè cùng năm, bạn bè đồng hương như Vũ. Nói chung là nhiều người lo lắng, sợ sệt. Tôi cũng chẳng nhớ đã thuyết phục từng người ra sao nhưng rồi dần dần thêm người cộng tác. Có những người ban đầu còn lo sợ, đứng xa xa, nói nho nhỏ, dấu tên, lấy bút danh, không muốn ai biết mình có cộng tác với tờ báo.

Khi việc đã chạy rồi thì chúng tôi còn tổ chức các buổi hội thảo. Cái từ hội thảo có lẽ là thích hợp, vì chúng tôi không phải là báo chuyên nghiệp, chỉ tổ chức những buổi gặp gỡ với độc giả, với những người quan tâm, có báo chí Tiệp đến dự và viết bài. Và rồi chúng tôi lại tổ chức biểu tình, biểu tình chống việc trục xuất người Việt lao động khỏi Tiệp. Tôi nhớ một cảm giác: một thành viên trong ban tổ chức ôm lưng tôi và nói tại sân bay Praha: „thành công quá anh Nhàn ơi“. Mà thật, không ngờ người Việt đến tham gia đông đảo quá, tôi cũng cảm thấy được an ủi, dù là hôm đó chỉ muốn phản đối cách làm của chính quyền Tiệp lúc đó, chứ cũng không nghĩ tới chuyện phá chuyến bay…

Cách đây một tuần một thành viên trong ban biên tập thông báo qua facebook cho tôi rằng, bạn bè muốn kỷ niệm ngày làm tờ Diễn Đàn, và tôi với vai trò cựu Sefredakteur, chủ bút lúc đó nên viết một bài và thứ năm, tức là ngày mai, 20/08/2020 phải xong. Tôi nói đùa: „chà, ôn cố mà không tri tân“. Nhưng rồi tôi lại nhận lời và rồi sau đó tôi lại chần chừ, đắn đo.

Thời đó vì là chủ bút của tờ báo, báo New York Times, báo Tiệp có đăng bài về tờ báo, có hình tôi, sứ quán Việt Nam tại Tiệp cũng mời tôi lên để „kêu gọi“ dừng „hoạt động cách mạng“. Gia đình tôi ở Việt Nam cũng được bộ nội vụ mời lên nói chuyện và khuyên viết thơ bảo tôi ngừng việc làm báo lại. Sau này tôi mới biết thêm là báo chí ở Việt Nam đăng rùm beng rằng „tên LT Nhàn được đảng và nhà nước cho đi du học, mà đã …“, và rồi chuyện tôi ra đi chạy sang Đức cũng được tường trình trên báo rất là chi tiết… Báo Diễn Đàn nhất trí với nhau bầu một chủ bút khác, dường như để làm nhẹ gánh cho tôi.

Kể chuyện về tờ Diễn Đàn với vai trò là cựu chủ bút, mà lại là người ra đi, nên tôi ái ngại. Nhưng chủ bút mới là Cù Lần, bút danh của nó, cũng không còn. Không hiểu sao người ta tìm thấy nó chết treo, người thì nói rằng nó thất tình, nhiều người không tin mà nói rằng vì lý do chính trị. Sau đó ai làm chủ bút tôi cũng không nhớ.

Tôi bỗng nhớ về chuyện cùng Vũ, người đồng hương miền Nam, đến gặp bộ trưởng bộ nội vụ Tiệp trong tư thế lình xình loàng xoàng và cũng không mang đến thông điệp rõ ràng cũng như không mang về cho ban biên tập một tin tốt lành gì. Đúng là… hâm…

Và rồi như ngày xưa tôi lại „dụ dỗ“ mọi người cùng tham gia làm cái gì đó. Tôi mở kênh youtube Tin Thật, tôi cố gắng làm bước đầu cho có một chút đà để mọi người có hứng. Nhưng dường như chưa ai có hứng và việc làm của tôi chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy tôi mới nói „ôn cố mà không tri tân“…

Gần đây có một người bạn trên Facebook nhận ra tôi, thằng chủ bút của tờ Diễn Đàn ngày xưa, anh ta (tạm dấu tên, vì chưa hỏi ý kiến) kể là hồi xưa có viết bài cho tờ báo, có gửi tiền ủng hộ, và anh ta mời tôi đến nhà chơi, cách nơi tôi ở khoảng 100 cây số. Kể chuyện đó để nói là thời đó có lẽ tờ Diễn Đàn đã là một cái gì đó đặc biệt, nội dung của nó đã đến được với rất nhiều người Việt Nam ở châu Âu (Đông Âu, và một số người ở Mỹ và Tây Âu). Với tư cách cá nhân, xin cảm ơn sự tham gia của mọi người trong ban biên tập, đã dám tham gia, đã bỏ thời gian quí báu, xin cảm ơn sự quan tâm của mọi độc giả gần xa thời đó và bây giờ vẫn còn nhớ đến tờ Diễn Đàn.

Chúng ta hãy thử nghĩ ra một cái gì đó, một project, cùng đóng góp cho một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam, cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi và đóng góp một phần nhỏ cho thế giới!

Tháng 8 năm 2020

Lê Thanh Nhàn


Ghi chú:

Lê Thanh Nhàn, người khởi xướng và là chủ bút đầu tiên của tờ Diễn Đàn

- Thời Diễn Đàn: sinh viên Y khoa, đại học UK, Praha, cộng hòa Czech.

- Hiện nay: sống và làm việc ở München, Đức.

Lời giới thiệu